Men Lá

Bữa nọ tôi có mang 1 chai rượu ngô men lá ngâm ngô tím đến một sinh nhật người bạn, và được hỏi về nguồn gốc và cách thức tạo ra rượu này như thế nào? Và bạn tôi có hỏi men lá là gì?

Chắc hẳn ai cũng thắc mắc, ngay cả bản thân mình cũng vậy, men lá mình nghĩ là mấy cái lá rừng mang về rồi sau đó ủ cùng với gạo hoặc ngô rồi lên men sau đó nấu thành rượu rồi mang bán cho khách.

Thực chất Men lá cũng là men bình thường bột gạo như của các loại men khác, tuy nhiên sẽ có các loại thảo dược, dược liệu quý hiếm từ nhiều loại lá, rễ cây được lấy và nghiền thành bột sau đó trộn với cái men bột đó thành Men lá.

Các thành phần

Các thành phần của men lá bao gồm các loại rễ Cọc đen (rạc toóc đăm), nhả nép ti, củ riềng (co bẳn khinh) không phải củ riềng thịt chó đâu, lá trầu không (bâư chuú), rau dăm (hom phất), cỏ ngọt (nhả van trâư). Ngoài ra có thể nhặt từ 3 đến 36 thứ lá trở lên. Các loại lá, rễ củ trên đem giã ngâm vào nước đun sôi để nguội, rồi lấy nước này trộn với bột gạo và một quả men rượu cũ hay còn gọi là men cái, nặn thành quả men, ủ từ 2 đến 3 ngày, đến khi quả men có mùi thơm doẽ ra đem phơi trong bóng râm, và sau đó cho lên gác bếp cho đến khi khô hẳn để đấu rượu.

Cách ủ rượu

Gạo, hoặc ngô sau khi được đồ sôi sẽ được để nguội, sau đó khi còn hơi âm ấm sẽ được san đều ra nia, hoặc ni lông, Men Lá sau khi được mang từ gác bếp xuống sẽ giã ra thành bột và được rắc đều lên trên ngô hoặc cơm đã được nấu chín đó, sau khi rắc và trộn đều Men Lá sẽ được gọi là cái rượu, và được cho vào chum, thùng, hoặc thúng (đây là cách trước kia tôi thấy phụ huynh làm vì không có nhiều chum vại) có lót ni lông, để ủ khoảng 1 tuần là có mùi thơm, thường rượu nếp cẩm, là bọn tôi ăn cái này này nó có vị ngọt và thơm của rượu, rất tốt cho tiêu hoá nên cứ vào tầm tháng 5 al là sẽ có 1 nồi cái rượu nếp cẩm để Diệt Sâu Bọ (5/5 al).

Sau khi cái rượu đã có mùi thơm mùi của rượu sẽ được chuyển qua thùng nhựa, hoặc chum vại to hơn, và được đổ khoảng 5 ~ 8 lít nước lã đã đun xôi vào ngâm tiếp 3 ~ 5 ngày là có thể mang đi chưng cất rượu được rồi.

Cách nấu rượu

Cái rượu sau khi được ngâm nước đủ ngày sẽ được mang đi chưng cất, thường phải là một cái nồi to thì mới nấu được, và khi nấu cũng sẽ đổ thêm một ít nước khoảng 4 ~ 5 lít tuỳ cái nồi nấu của gia đình, đun lửa to, sau khi rượu sôi thì sẽ đun lửa vừa phải để tốc độ ngưng tụ ra rượu phù hợp.

Nồi nấu rượu là cái nồi to bình thường mà nhà vẫn hay dùng, tuy nhiên có thêm cái chõ (mình gọi là vậy) để ngưng đọng số rượu bốc hơi lên, và thường cái này đặc biệt sẽ có 1 phần nước lạnh bên trên để ngưng đọng phần rượu bốc hơi này, và nồi nấu rượu được bịt kín bằng đất sét hoặc bằng bột sắn trộn với thính gạo, trong quá trình nấu nếu bị xì hơi ở đâu đó là phải bịt lại nếu không sẽ mất hết rượu.

Phải đun rất lâu, 5 ~ 6 tiếng (có lẽ vậy vì thường hết cả buổi mới xong) thì mới được khoảng 10 ~ 15 lít rượu trắng, rượu này có thể uống được luôn nhưng sẽ còn phải pha để điều chế lại phần nồng độ cồn trong đó.

Vị có khác gì không?

Có ạ! Rượu men lá thơm ngon uống ít thì bổ dưỡng cho sức khoẻ và không bị đau đầu, nếu dùng để ngâm thuốc thì rất tốt, vì men lá đã được làm từ nhiều cây dược liệu quí. Ngoài ra nếu dùng để ngâm thuốc thì bạn nên lấy loại rượu nặng hơn bình thường ví dụ bình thường rượu từ 25 ~ 28 độ là đã êm thì bạn order loại từ 35 ~ 40 độ để có thể dung hoà được thuốc nhanh hơn, và quá trình ngâm rượu sẽ giảm độ đi kha khá.

Bạn đã biết Men Lá rồi chứ?

Bài này mình viết về Men Lá mà người Hà Giang dùng để nấu Rượu ngô Hà Giang (rượu mà mình bán đó) đồng thời cũng giải đáp thắc mắc của bạn bè mình, những người bạn đã được dùng thử, cũng như tin dùng mình từ nhiều năm qua sản phẩm này.